Hội nghị sinh viên NCKH là một hoạt động quan trọng nhằm khuyến khích người học tìm tòi, sáng tạo và vận dụng những kiến thức đã học đế giải quyết một vấn đề thực tiễn, sớm tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu và cách triển khai một đề tài khoa học.
Buổi Hội nghị sinh viên NCKH do Khoa Quản trị Kinh doanh phối hợp Tài chính Ngân hàng tổ chức có sự tham gia của TS. Lương Cao Đông – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Việt Anh – Phó Hiệu Trưởng Nhà trường, Trưởng Khoa quản trị kinh doanh; TS. Nguyễn Hoàng Nam – Trưởng khoa Tài chính ngân hàng; TS. Lê Thị Mỹ Ngọc – Quyền Trưởng Khoa Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng; TS. Nguyễn Quốc Tuấn – Phó trưởng khoa QTKD; TS. Trương Đức Thao – Phó trưởng khoa QTKD; ThS. Dương Minh Tú – Phó trưởng khoa QTKD; cùng tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Quan trị Kinh doanh, Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Đại Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch Hội đồng Khoa học đánh giá, tất cả báo cáo Khoa học năm nay đều có chất lượng tốt, phương pháp nghiên cứu rõ ràng. Qua đó thấy được kỹ năng làm việc độc lập của sinh viên có nhiều tiến bộ.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 việc tập hợp các thành viên thực hiện đề tài gặp khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, tận tình của Nhà trường, Khoa Quản trị Kinh doanh, khoa Tài chính Ngân hàng cùng đội ngũ các thầy cô hướng dẫn khoa học đã góp phần tạo nên thành công trong nghiên cứu của sinh viên năm nay.
Tại Hội nghị, sinh viên đã có những bài trình bày, thảo luận, phản biện rất cởi mở, thẳng thắn nhiều vấn đề như: “Mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển trong thời kỳ số hóa: Góc nhìn phân tích từ doanh nghiệp Xiaomi”, “Một số nhân tố ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên DNU”, “Đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với đào tạo online tại DNU”, “Tác động của chuyển đổi số tới hoạt động kinh doanh của các NHTM”…
Có thể thấy, những đề tài được trình bày trước Hội nghị đều bám rất sát với thực tế, mang đến những góc nhìn đa chiều về lĩnh vực Kinh tế – Tài chính – Quản trị. Hội đồng Khoa học đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu.
“Kết quả của các đề tài là tài liệu khoa học bổ ích, thiết thực cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Tôi tin rằng, đây sẽ là động lực khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên của trường Đại học Đại Nam ngày càng phát triển”, TS. Nguyễn Hoàng Nam nhấn mạnh.
Kết thúc Hội nghị, TS. Trương Đức Thao thay mặt cho hội đồng tổng kết và công bố điểm nghiên cứu khoa học của sinh viên. Theo đó, Giải Nhất thuộc về nhóm tác giả Nguyễn Lan Vy, Trần Thái Sơn, Nguyễn Thị Trúc với đề tài “Mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển trong thời kỳ số hóa: Góc nhìn phân tích từ doanh nghiệp Xiaomi”; Giải Nhì được trao cho nhóm tác giả Phùng Vũ Thế Tài, Vũ Thị Ngọc Mai, Nguyễn Hồng Sơn, đề tài: “Một số nhân tố ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên DNU”.
Hai giải ba thuộc về các nhóm tác giả Nguyễn Phương Nam, Nguyễn Thị Linh, Lê Thị Việt với đề tài “Đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với đào tạo online tại DNU” và các tác giả Nguyễn Thuý Linh, Bùi Thị Thuỳ Trang, đề tài “Tác động của chuyển đổi số tới hoạt động kinh doanh của các NHTM”.
Riêng đề tài “Mối quan hệ giữa căng thẳng học tập và ý định nghỉ học của sinh viên Đại học Đại Nam” đạt giải thưởng nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học tiềm năng; Đề tài “Vai trò của Nhà trường và Thầy cô đối với ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Đại Nam – Khoa Quản trị Kinh doanh’’ đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học tích cực.
Chia sẻ sau Hội nghị, Nguyễn Thuý Linh – sinh viên lớp TCNH 15.01 bày tỏ: “Khi mới bắt đầu tiếp cận đề tài chúng em không nghĩ mình có thể làm được. Nhưng nhờ sự động viên của các thầy cô, sự hướng dẫn tận tình của ThS. Nguyễn Văn Duy đã giúp chúng em hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên. Đạt giải Ba nghiên cứu khoa học khi là sinh viên năm nhất là niềm vui lớn đối với em”.
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh cũng như sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng đã có được những trải nghiệm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực học thuật; từ đó, có cơ hội thể hiện khả năng của bản thân và trau dồi những kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện, kỹ năng làm việc nhóm… để hoàn thiện bản thân.
ThS. Phan Thùy Tâm – giảng viên khoa QTKD